Tiến trình mua bán bản quyền Ngoại hạng Anh vẫn rơi vào bế tắc.
|
Liên quan đến việc mua bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 – 2019, mới đây sau khi K+ đơn phương đề nghị được tách ra khỏi Ban đàm phán để tự đi mua bản bản quyền. Tại cuộc họp Ban đàm phán vào ngày 8/4/2016, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) Vũ Văn Hiến đã công bố, nếu K+ có tự mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh cũng không phát sóng được ở Việt Nam. Vì Hiệp hội sẽ báo cáo với Chính phủ, với Bộ TT&TT can thiệp theo hướng dùng quyền phát sóng hoặc không cho phát sóng. Nếu như đơn vị nào thực hiện không đúng định hướng có mua về cũng không cho phát sóng.
Việc mua bản quyền Ngoại hạng Anh được 11 đơn vị truyền hình thống nhất là sẽ do Ban đàm phán đứng ra mua sau đó phân phối, sử dụng chung giữa các đơn vị tham gia mua, do VNPayTV chủ trì. Tuy nhiên cho đến nay, tiến trình mua bán gói bản quyền này vẫn rơi vào bế tắc.
Trong văn bản báo cáo Bộ TT&TT mới đây, VNPayTV đề xuất để xử lý triệt để vấn đề bản quyền Ngoại hạng Anh, nhà nước cần có sự chỉ đạo cụ thể hơn nữa. Cụ thể, nhà nước cần chỉ đạo VTV và các tập đoàn, công ty đang sở hữu các đơn vị truyền hình chấp hành nghiêm túc việc đoàn kết, nhất trí cùng mua và cùng chia sẻ bản quyền Ngoại hạng Anh như cam kết đã ký với Hiệp hội. Trong trường hợp không thể đạt được sự thỏa thuận, các đơn vị thống nhất sẽ không mua bản quyền giải đấu này ở Việt Nam.
Hiệp hội viện dẫn điều 7, điều 8 của Hiệp định TRIPS, điều 7 Công ước Brussels quy định “tôn trọng quyền của các quốc gia trong việc áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa sự lạm dụng của các quyền sở hữu trí tuệ bởi những người nắm quyền”. Theo đề xuất của VNPayTV, quy định này cho phép Nhà nước có thể can thiệp theo hướng dùng quyền phát sóng hoặc không cho phát sóng đối với các đơn vị truyền hình. Sự chỉ đạo này không mâu thuẫn với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
|
Luật sư Nguyễn Hoàn Thành. Ảnh: M.Q
|
Bình luận về đề xuất trên của VNPayTV, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và cộng sự) cho rằng, Hiệp định TRIPS có những quy định tương đối mới nhưng không áp dụng được trong trường hợp này. Bởi vì bản quyền truyền hình liên quan nhiều đến các yếu tố về kỹ thuật nên đã có những điều luật quốc tế khác quy định về bảo hộ tín hiệu truyền hình chặt chẽ hơn rất nhiều. Mặt khác, bản quyền truyền hình không phải là mặt hàng thiết yếu liên quan đến tính sống còn (như thuốc tây) do đó không thể áp dụng để cấm trong trường hợp này.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, ở trong phạm vi của Hiệp hội thì VNPayTV có thể ra quy chế cấm các hội viên (như trong trường hợp này là K+) không được tự đi đàm phán riêng để mua bản quyền, điều này là quy định nội bộ của Hiệp hội. Còn nếu áp dụng theo các luật của Việt Nam như Luật Kinh doanh hay Luật Dân sự thì Nhà nước không thể cấm được truyền hình K+ tự đi mua bản quyền, cũng như cấm K+ phát sóng bởi vì không có cơ sở về luật pháp để cấm.
“Muốn ngăn cản được truyền hình vệ tinh K+ thì phải căn cứ điều này, khoản kia của các quy định pháp luật, tuy nhiên các luật của Việt Nam không có quy định nào cấm cả. Cho nên dùng biện pháp hành chính mà ngăn cản K+ là rất dở, VNPayTV đã chưa nghiên cứu kỹ khi đưa kiến nghị này”, Luật sư Thành nói.
Trong ngày 1/4/2016, đơn vị nắm bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh ở Việt Nam là MP&Silva đã chính thức có văn bản trả lời VNPayTV về việc hãng này khó có thể đáp ứng các điều kiện mua bán mà VNPayTV đã đưa ra trước đây, bởi vì lý do: "Trong quá trình đấu thầu giải bóng đá Ngoại hạng Anh nghiêm cấm việc hình thành các tập đoàn đấu thầu và tìm các cách thức để đảm bảo rằng quyền nghe nhìn của cuộc cạnh tranh được phân phối tự do”. Điều này có nghĩa là MP&Silva tuyên bố thẳng thừng không tiến hành đàm phán bán bản quyền với một liên minh có nhiều doanh nghiệp theo hình thức mua chung rồi chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cho rằng: “Những nguyên tắc MP&Silva đưa ra là có sở cứ, họ không nói bừa đâu. Tất cả các trường hợp mua bản quyền truyền hình đều có cam kết bảo đảm kiểm soát về kỹ thuật rất chặt chẽ. Do đó, Ban tổ chức giải đấu sẽ không cho phép bán cho một nhóm các doanh nghiệp, bởi khi phát sinh các vấn đề về tràn sóng hoặc không đảm bảo kiểm soát bản quyền thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Nếu mua chung và dùng chung, chỉ cần có 1 đơn vị không đảm bảo kiểm soát về kỹ thuật có khi dẫn đến bị ngừng cấp sóng, sẽ ảnh hưởng tới tất cả các đơn vị khác. Lúc đó tiền mất tật mang, vừa mất tiền vừa không được xem, có khi lại còn bị bên bán kiện bồi thường rất nhiều tiền”.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, MP&Silva đã không nói chuyện với Ban đàm phán ngay từ đầu, coi như Ban đàm phán trượt từ ngay vòng hồ sơ kỹ thuật. Theo nguyên tắc đấu thầu, nếu Ban đàm phán đã bị trượt thì phải để cho các đài đi đàm phán.
Về giá cả mua bán, theo các quy định hiện hành các doanh nghiệp được phép tự quyết định. Bởi vì bản quyền truyền hình là một loại hàng hóa. Việt Nam chưa có quy định nào cấm nhập một loại hàng hóa vì nó quá đắt, do đó không thể vì đắt mà cấm người ta nhập được.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành cũng cho rằng, liên doanh K+ có 51% vốn của VTV, do đó nhà nước có thể chỉ đạo VTV can thiệp trong việc ra các quyết định về kinh doanh hoặc mua bán bản quyền của truyền hình số K+.
ICTNews.vn